Thursday, August 14, 2014

Photoshop cơ bản - Bài 4

Chào các bạn, như đã nói ở video trên, trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về chế độ trộn màu (Blending mode) và các bộ công cụ khác của Photoshop

1/Blending Mode

Hồi nhỏ chắc trong chúng ta không ít người từng thử chồng các tờ giấy bóng màu lên nhau rồi đưa lên bóng đèn xem thử nó ra màu gì ^__^. Blending mode trong Photoshop cũng có cùng nguyên lý hoạt động như vậy. Các chế độ trộn màu của Photoshop được chia làm 5 nhóm:

  1. Darkening (làm tối hình ảnh hoặc dùng để sửa những bức ảnh bị chói sáng)
  2. Lighting (làm sáng hình ảnh hoặc dùng để sửa những bức ảnh thiếu sáng)
  3. Contrasting (kết hợp cả DarkeningLighting để hiệu chỉnh độ tương phản của bức hình)
  4. Compare – So sánh (để căn chỉnh và so sánh sự khác nhau giữa 2 bức hình)
  5. Coloring (để sửa sắc độ và độ bão hoà màu sắc)
Riêng NormalDissolve thì không thuộc bất cứ nhóm nào trong 5 nhóm trên. Bây giờ chúng ta sẽ cùng lướt qua chức năng của từng lệnh Blending mode.

1. Nhóm " đặc biệt khác người":
  • Normal: mặc định, không có gì để nói =.=!!
  • Dissolve: Chỉ hoạt động khi layer có những semi-transparent pixel (nôm na là những pixel bán-trong-suốt - pixel có màu nhưng vẫn nhìn xuyên qua được). Semi-transparent pixel có được khi bạn xài Brush với Flow<100% hoặc áp dụng bộ lọc Blur hay Set layer opacity<100%. Xem hình bên dưới để dễ hình dung hơn.

Mode này sẽ lấy ngẫu nhiên các pixel của Layer được set để đè lên các Layer bên dưới
Layer Magenta 70% (Opacity 50%) được chọn mode Dissolve
2. Nhóm Darkening: rất hiệu quả khi chỉnh sửa và làm tối bất kỳ phần nào của bức hình.
  • Darken: So sánh pixel của Layer được set Mode với các Layer phía dưới, pixel nào tối hơn sẽ được giữ lại.
Phần màu trắng đã bị thay thành màu magenta 70%
Ở hình trên mình tạo 1 Layer phía trên Layer phong cảnh và tô màu Magenta 70% (Opacity 50%), các bạn thấy phần màu sáng đã bị thay thế bằng màu Magenta 70%
  • Multiply: Màu của Layer được set Mode này sẽ được nhân đôi, kết quả là một màu bao giờ cũng “tối” hơn. Dùng để sửa ảnh bị chói sáng bằng cách nhân đôi Layer của ảnh bị chói rồi set mode multiply cho nó.

  • Color Burn: Photoshop sẽ lấy thông tin về độ sáng tối của Layer áp dụng mode này này để tăng tương phản và làm tối màu của các Layer bên dưới. Màu càng tối thì độ tương phản càng cao => màu trắng không có tác dụng gì cả. Khi sử dụng, mode này sẽ làm hình ảnh có độ tương phản cao và thường trông tối hơn.

  • Linear Burn: Giống như Color Burn, khi sử dụng sẽ làm cho các vùng tối trở nên tối hơn và các vùng sáng có độ tương phản cao hơn.

  • Darker Color: tương tự như Darken, nhưng có khác ở chỗ nó hoạt động trên tất cả các kênh màu (channel), còn Darken chỉ hoạt động trên cơ sở từng kênh. Nói nôm na là chọn phần tối hơn của 2 Layer, phần nào tối hơn thì hiện ra.

3. Nhóm Lighting: Giúp làm sáng ảnh và sửa những ảnh thiếu sáng.
  • Lighten – ngược với Darken, chọn ra pixel sáng hơn của Layer được set mode và giữ lại pixel đó => vô dụng khi dùng với màu đen.
Những pixel sáng hơn Layer Magenta 70% sẽ được giữ lại

  • Screen – ngược với Multiply, kết quả luôn là một hình "sáng" hơn => dùng sửa ảnh thiếu sáng khá tốt. Cách làm cũng là nhân đôi Layer lên và áp dụng mode screen.

  • Color Dodge: ngược với Color burn. Dùng thông tin độ sáng tối của Layer áp dụng mode này để tăng độ tương phản và làm sáng màu Layer dưới nó => vô dụng với màu đen.

  • Linear Dodge: Trái ngược với Linear Burn. Dùng thông tin độ sáng tối của Layer áp dụng mode này để tăng độ sáng cho Layer bên dưới nó => vô dụng với màu đen.

  • Lighter color: Ngược với Darken color hoạt động trên tổng thể các kênh (channel) chứ không phải từng kênh như Lighter.

4. Nhóm Contrasting – kết hợp cả Lighting và Darkening lại, dùng để tăng độ tương phản cho bức hình – cũng là nhóm các bạn blend màu hay xài nhất. Và Lưu ý khi dùng mode này thì màu gray 50% (#808080) sẽ vô dụng, trừ trường hợp với mode Hard mix.
  • Overlay: Hiệu ứng kết hợp của Screen và Multiply, tạo ra một hình ảnh có độ tương phản rất cao.

  • Soft Light: Kết hợp giữa Darken và Lighten. Giống như chế độ Overlay nhưng với độ tương phản thấp hơn.

  • Hard Light: Kết hợp giữa Linear dodge và Linear burn. Giống như chế độ Overlay nhưng với độ tương phản cao hơn.

  • Vivid light -  Kết hợp giữa Color Burn và Color Dodge. Mode này sẽ lấy phần tone giữa và tone sáng của Layer được set mode trộn xuống Layer bên dưới


  • Linear Light: Kết hợp của Linear Burn và Linear Dodge. Giống như Vivid Light nhưng độ tương phản cao hơn.


  • Pin Light: Mode này sẽ chọn giữ lại màu dựa trên giá trị sáng/tối của Layer áp dụng mode này và các Layer bên dưới. Nếu màu của Layer có mode này sáng hơn 50% gray thì tất cả những pixel nào tối hơn sẽ bị thay thế, còn nếu màu của Layer tối hơn gray 50% thì ngược lại. Tóm lại là lấy các pixel từ Layer được set mode theo chế độ Lighten với các pixel tối của các Layer ở dưới theo chế độ Darken.
Layer Magenta 70% được set mode
  • Hard Mix: Lấy phần tông giữa của các Layer hoà trộn vào nhau nhưng phần chuyển tiếp cứng ngắc
Layer Magenta 70% được set mode
5. Nhóm Compare – So sánh (để căn chỉnh và so sánh sự khác nhau giữa 2 bức hình)
  • Difference: So sánh các điểm pixel giữa hai Layer và loại bỏ các điểm sáng hơn giữa cả hai. Nên Mode này dùng để so sánh sự khác nhau giữa 2 bức hình, nếu chỗ nào giống thì nó sẽ có màu đen
Layer Magenta 70% được set mode, phần nào giống nhau sẽ có màu đen
  • Exclusion: Mode này giữ lại màu đen, và invert (đảo ngược) màu khác màu đen, tuỳ vào độ sáng của màu thì mức độ invert nhiều hay ít.

  • Subtract:  Lấy phần tối của âm bản của Layer được set mode trộn xuống các Layer dưới.
Trộn phần tối âm bản của Layer Magenta 70% được set mode 
  • Divide: Lấy phần sáng của âm bản của Layer được set mode trộn xuống các Layer dưới
Trộn phần sáng âm bản của Layer Magenta 70% được set mode 
6. Nhóm Coloring: Để sửa sắc độ và độ bão hoà màu sắc
  • Hue: Đổi sắc thái màu trên tấm hình mà không đụng chạm đến độ sáng tối trên hình.
Layer Magenta 70% được set mode
  • Saturation: Lấy thông tin độ bão hoà màu sắc của Layer set mode này cho các Layer bên dưới. Nếu Layer áp dụng mode có nhiều màu khác nhau thì kết quả không bị ảnh hưởng vì nó chỉ lấy thông tin Saturation trong màu mà thôi. Nói đơn giản là giữ lại độ sáng và sắc thái màu của các Layer bên dưới nhưng sử dụng độ đậm/nhạt màu của Layer được set mode.
Layer Magenta 70% được set mode

  • Color: thay thế màu sắc, nếu thay bằng màu đen hoặc trắng thì hình sẽ mất màu.

  •  Luminosity: Sử dụng thông tin sáng – tối của Layer được set mode áp dụng cho các Layer bên dưới nó.


2/ Tô màu trong photoshop

Trong phần trên mình có nhắc đến Layer Magenta 70%, một số bạn sẽ thắc mắc đây là thông số gì, mình xin trả lời luôn đây là thông số màu mình đã dùng để tô cho đối tượng trong Layer đó. Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm thế nào để tô màu cho đối tượng trong Layer. Trước hết bạn cần phải biết các hệ màu trong Photoshop.


Các hệ màu trong photoshop gồm:
- Bitmap
- Grayscale
- Doutone
- Indexed Color
- RGB Color
- CMYK Color
- Lab Color
- Multichannel
Trong đó chúng ta thường sử dụng nhất là RGB, CMYK và Grayscale.
  • Hệ màu RGB: RGB là viết tắt của
R = Red ( Đỏ )
G = Green ( Xanh lá )
B = Blue ( Xanh dương )
Hệ màu RGB là hệ màu gồm 3 màu cơ bản Red ; Green ; Blue. Mỗi một kênh (kênh Red, kênh Green, kênh Blue) dùng 8 bit màu, tức là có 256 khả năng thể hiện. Khi kết hợp 3 kênh lại với nhau sẽ có khả năng biểu diễn tương đương 16,7 triệu màu.

Khi cả 3 kênh mang cùng một giá trị 0 (R=0,G=0,B=0) thì sẽ cho ra màu đen
Khi cả 3 kênh mang cùng một giá trị 255 (R=255,G=255,B=255) thì sẽ cho ra màu trắng
Khi cả 3 kênh mang cùng một giá trị từ 1 đến 254 thì sẽ cho ra một thang màu xám
Để thể hiện màu đỏ thì R= 255, G = 0, B = 0
Để thể hiện màu xanh lá cây thì R=0, G = 255, B = 0
Để thể hiện màu xanh dương thì R = 0, G = 0, B = 255
Khi màu đỏ và màu xanh lá kết hợp lại với nhau sẽ cho ra 100% màu vàng R = 255, G = 255, B = 0

Khi mỗi kênh (R, G, B) mang một giá trị bất kỳ (trong giới hạn từ 0 đến 255) kết hợp lại với nhau sẽ cho ra một màu nào đó.
  • Hệ màu CMYK: CMYK là viết tắt của
C = Cyan - màu xanh lơ
M = Magenta - màu hồng sen
Y = Yellow - màu vàng
K = Key/Black - Màu đen

Nguyên lý làm việc của hệ CMYK là hấp thụ ánh sáng. Màu mà ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ, hay nói cách khác, chúng hoạt động trên cơ chế những vật không tự phát ra ánh sáng mà chỉ phản xạ ánh sáng từ các nguồn khác chiếu tới.

Quy tắc trộn mà CMYK cũng giống như quy tắc trộn màu mà chúng ta đã học ở trường.
Trộn màu xanh (Cyan) với màu hồng (Magenta) sẽ cho ra màu xanh dương (Blue), màu hồng (Magenta) với màu vàng (Yellow) sẽ cho ra màu đỏ (Red), màu xanh (Cyan) với màu vàng (Yellow) sẽ cho ra màu xanh lá cây (Green), ba màu Cyan, Magenta, Yellow kết hợp lại sẽ cho ra màu Đen (Black).

  • Hệ thống màu Grayscale
Grayscale là mô hình màu đơn giản nhất với 256 cấp độ xám biến thiên từ màu đen đến màu trắng. Sản phẩm được xuất ra sẽ có màu trắng đen. Lợi điểm của loại mô hình này là có thể sử dụng cả trong công nghiệp in lẫn dùng trong việc thể hiện ảnh lên các thiết bị xuất số. Grayscale còn là chế độ trung gian để chuyển qua chế độ bitmap (trắng đen) hay duo-tone (chế độ Grayscale được thêm từ 1 đến 4 màu).

Tiếp theo chúng ta sẽ học cách sử dụng các kênh màu này trong photoshop. Trong photoshop việc tô màu cho đối tượng vô cùng đơn giản. Tô màu trong photoshop được chia làm 2 loại 
- Foreground color
- Background color

Các bạn hãy theo dõi video dưới đây để biết cách chọn màu và tô màu trong photoshop nhé ^.^






















No comments:

Post a Comment

Chào các bạn, mình rất vui nếu nhận được bất cứ thắc mắc, khen chê, đóng góp ý kiến của các bạn. Xin vui lòng viết bằng tiếng việt có dấu hoặc tiếng anh